Trong đó, giao theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn năm huyện là 11.159 ha cho 1.297 hộ, gồm 1.101 hộ đồng bào DTTS và 196 hộ là các đối tượng khác.
Hàng nghìn ha rừng ở Đác Lắc giao khoán bị tàn phá, lấn chiếm trái phép
Giao đất, giao rừng hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg trên địa bàn bảy huyện với diện tích 26.135 ha cho 3.976 hộ, trong đó đồng bào DTTS là 2.791 hộ và 1.185 hộ thuộc các dân tộc khác.
Mặc dù trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện đầy đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn được giao, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng…
Thế nhưng, qua rà soát mới đây của Sở NN&PTNT tỉnh Đác Lắc trên toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao, khoán cho các hộ gia đình và cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ cho thấy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép lên đến 10.610,2 ha. Các địa phương để rừng bị phá và lấn chiếm nhiều nhất là huyện Krông Bông với diện tích 6.866 ha, huyện Ea Súp 2.039 ha, huyện Buôn Đôn 1.000 ha, huyện Lắc 676 ha, huyện Ea Kar 355 ha, huyện Ea H’leo 201 ha… Trong đó, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg là hơn 2.086 ha và diện tích rừng bị phá, lấn chiếm theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg là hơn 8.523 ha.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đác Lắc, nguyên nhân rừng giao khoán bị phá và lấn chiếm trái phép với diện tích lớn là do, rừng giao cho hộ gia đình, cộng đồng đa phần là những khu rừng nghèo kiệt đã qua khai thác trước đây của các công ty lâm nghiệp trả về cho địa phương quản lý. Những khu rừng này người dân không thể hưởng lợi ngay trước mắt, trong khi đó các hộ nhận rừng là những hộ nghèo, đời sống khó khăn… Chính sách hưởng lợi của Nhà nước nhiều năm trước đây chưa được điều chỉnh bổ sung nên không còn phù hợp để tạo động lực cho người nhận rừng có thể sống bằng nghề rừng. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra, kiểm soát, tổ chức sản xuất, kinh doanh rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến diện tích rừng sau khi được giao khoán không được người nhận rừng thực hiện.
Chu kỳ sản xuất của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro; tính cạnh tranh của cây rừng rất thấp so với nhiều cây nông nghiệp khác… Vì vậy, người dân sẵn sàng phá rừng để lấy đất trồng cây khác hoặc sang nhượng đất đai trái pháp luật.
Bên cạnh đó, tâm lý của người dân chỉ muốn nhận những khu rừng có trữ lượng gỗ trung bình hoặc giàu để được hưởng lợi, nhưng phần lớn những diện tích rừng giao cho hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn quản lý chủ yếu là rừng nghèo dẫn đến người dân chưa có nguyện vọng nhận rừng.
Công tác phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh chưa kịp thời, khi phát hiện thì diện tích rừng bị phá đã được trồng cây nông nghiệp, công nghiệp đã lâu, chuyển sang cơ quan chức năng điều tra, xử lý thì đã hết thời hạn. Vì vậy, không răn đe được các hộ nhận rừng, các đối tượng phá rừng…
Công tác giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ ở Đác Lắc không có hiệu quả, người nhận rừng không quản lý được diện tích rừng đã giao, để rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép với diện tích lớn xảy ra nhiều năm nay, nhưng đến nay các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc vẫn chưa tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả. Vì vậy, việc tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp như hiện nay thì diện tích rừng ở Đác Lắc bị chặt phá và lấn chiếm trái phép tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, điều mà dư luận bức xúc là diện tích rừng được giao, khoán cho hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ ở Đác Lắc bị chặt phá, lấn chiếm trái phép lớn như vậy nhưng chưa có đơn vị hay cá nhân nào chịu trách nhiệm, bị xử lý.
NGUYỄN CÔNG LÝ