Nghiên cứu này được các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định mối quan hệ giữa canxi với hiện tượng xì mủ bên trong trái măng cụt, gồm có 2 thí nghiệm: (1) khảo sát mối quan hệ giữa hàm lượng canxi trong đất và thịt trái với tỉ lệ trái bị xì mủ bên trong trên 30 vườn khác nhau , tuổi cây từ 20 đến 25 năm và (2) khảo sát ảnh hưởng của canxi clorua phun qua lá đến tỉ lệ xì mủ bên trong trên vườn có độ tuổi từ 20 đến 25 năm; CaCl2 được phun qua lá ngay khi hoa nở và 8 tuần sau khi hoa nở ở nồng độ 0,25 – 2%, phun 4 lần và khoảng cách và khoảng cách 2 lần phun là 15 ngày.
Kết quả thí nghiệm cho thấy: có sự tương quan nghịch giữa tỉ lệ trái bị xì mủ bên trong với hàm lượng Ca2+ trao đổi trong đất và Ca2+ tổng số trong thịt trái (r** = -0,44 và – 0,52 theo thứ tự), hàm lượng Ca2+ tổng số trong thịt trái bình thường cao hơn ở trái bị xì mủ bên trong 1,29 lần. Phun CaCl2 2% qua lá 8 tuần sau khi hoa nở không ảnh hưởng nhưng phun ngay khi hoa nở làm giảm tỉ lệ trái bị xì mủ bên trong và múi trong so với không phun do làm tăng hàm lượng Ca2+ tổng số trong thịt trái và tỉ lệ pectin trong vách tế bào, nhưng đồng thời cũng làm giảm khối lượng và năng suất trái/ cây.
ntbtra - Canthostnews, Theo Tạp chí NN & PTNT.