
Ông Hoa bên chiếc lồng lưới dùng để ngăn con ong thụ phấn, giữ cho trái bưởi da xanh không có hạt
Từ chuyện ngăn con ong thụ phấn
Ở tuổi 67, nhưng trông lão nông Lê Văn Hoa (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách phủ nhận thông tin mà các phương tiện truyền thông đã viết về mình: “Ở miền Tây, bà con mình trồng nhiều loại cây có hạt như cam, quýt... Con ong khi hút mật thì hai chân chạm vào bầu nhụy của hoa và vô tình mang phấn của những loại cây này, sang thụ phấn cho hoa bưởi, làm cho trái bưởi da xanh có hạt. Điều này, tui đã biết từ mấy chục năm trước qua kinh nghiệm làm vườn, chứ không phải mới nghĩ ra gần đây”.
Rồi ông kể: Vào năm 2006, khi đó, ông đã là một nông dân sản xuất giỏi, được Bộ KHĐT mời đi miền Bắc tham quan các vườn bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và bưởi Diễn (Hà Nội). Ông quan sát thấy trái bưởi trồng ở miền Bắc khi bổ ra có rất nhiều hạt, không ngon lại thiếu thẩm mỹ. “Từ đó, tui nảy ý định tìm cách làm cho trái bưởi không hạt, bởi bưởi ở miền Tây mình vốn đã ít hạt...” - ông Hoa nói.
Sau chuyến tham quan về, ông bắt tay thực hiện ý định: Khi hoa bưởi sắp nở, ông “chế” những chiếc khung hình thoi bằng dây kẽm, chụp quanh chùm hoa, dùng lưới nhựa bọc lại. Những lồng lưới này ngăn gió khuếch tán phấn hoa, đồng thời không cho côn trùng hút mật tiếp xúc bầu nhụy, gây ra hiện tượng thụ phấn chéo. Thế rồi đến mùa thu hoạch, ông Hoa nhận được thành quả “ngọt ngào” khi bổ trái bưởi ra - trái bưởi không có hạt.
“Thật ra, bưởi da xanh tự bản chất của nó là không có hạt, nhưng vì nhiều lý do, có thể do nhà vườn sử dụng tạp chất, hoặc do thụ phấn chéo, đã làm cho trái bưởi có hạt. Cách làm của tui là giữ cho trái bưởi trở lại không có hạt như nguyên thủy của nó, chứ không phải tạo ra một loại bưởi mới không có hạt” - ông Hoa cho biết thêm.
Dạy trồng bưởi ở xứ người
Thành quả sáng tạo của ông Hoa vang đến cả nước ngoài. Tháng 1 vừa qua, ông vinh dự được mời chia sẻ kinh nghiệm xử lý bưởi ra hoa và tạo trái bưởi không hạt tại hội thảo quốc tế về nông nghiệp (nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp Parade Pangan Nusantara 2014) diễn ra tại Indonesia. “Lần đầu trong đời được xuất ngoại làm “giảng viên”, nhưng tui không thấy lo mà rất tự tin. Tại hội thảo, tui được dành cho cả buổi sáng để trình bày kinh nghiệm. Lúc đầu, tui tính đọc hết bài tham luận, đến phần trao đổi mới trả lời những câu hỏi. Nhưng khi đang phát biểu, thấy thắc mắc đến đâu, họ liền hỏi đến đó. Trả lời xong, thấy ai cũng hài lòng, vỗ tay nồng nhiệt, tui rất mừng vì không bị vướng ở điểm nào” - ông Hoa chia sẻ.
Thành công ngoài mong đợi, khi sáng hôm sau, một trường đại học quốc tế ở Indonesia đã mời ông Hoa đến trao đổi những kinh nghiệm trồng bưởi. “Việc này nằm ngoài kế hoạch của chuyến đi, ban đầu tui cứ tưởng họ mời đến để tiếp xúc với sinh viên của trường, nhưng đến nơi, thấy toàn người lớn tuổi, hỏi ra mới biết, họ là các chuyên gia, nhà khoa học, có cả giáo sư, tiến sĩ. Tui rất hãnh diện, vì họ rất coi trọng nông dân cũng như sự phát triển của nền nông nghiệp nước mình” - vẫn lời ông Hoa.
Điều khiến người ta bất ngờ là ông Hoa chỉ học tới lớp 6, nhưng bằng sự cần mẫn, cộng với những năm tháng gắn bó nơi ruộng vườn đã tích lũy cho ông những kinh nghiệm quý báu để trở thành một “chuyên gia” nông nghiệp. Cây bưởi đã làm nên thương hiệu “Hai Hoa”, nhưng hơn thế, ông còn là một nông dân giỏi về nhiều loại cây ăn quả khác. Đều đặn mỗi tháng, ông được mời ra 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ cùng nhiều tỉnh, thành miền Bắc để dạy và tư vấn các kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân...
Trở về với “hoang dã”
Mới đây, ông Hoa đã nghiên cứu và hiện thực hóa một ý tưởng táo bạo là trồng cây theo kiểu “hoang dã”. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi ông Hoa được mời đi tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi tại 5 nông trại lớn ở 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngày đó, ông phát hiện, ở đâu người ta cũng trồng bưởi theo lối cổ điển: Đào hố trộn phân hữu cơ. Cách trồng này là do sợ cây thiếu nước, sợ ngã đổ, khi bón phân sẽ không bị trôi đi. Ông Hoa phân tích: “Cây thở thông qua các kẽ rễ, khi đào hố trồng từ 3-5 năm, cây sẽ bị lún đất, không lồi rễ, mất kẽ rễ, không thở được. Do vậy, cây thường bị sựng lại, rồi sâu bệnh tấn công, lại thêm cây bị phân bón tập trung vào gốc, dẫn đến bị ẩm rễ, ung thối, làm cây bưởi suy. Đa phần nguyên nhân thất bại là vậy”.
Cách trồng mới của ông Hoa không cần đào hố, trên mặt đất phẳng, cho đắp mô đường kính khoảng 60cm, cao khoảng 60-70cm. “Bưởi là loại cây khó tính, nếu trồng theo kiểu cũ, đào hố sâu 5-6 tấc làm sao rễ cây thở được. Còn trồng trên mô đến 3 năm tuổi, đất trôi đi, rễ cây lồi lên, cây phát triển giống như cây thiên nhiên hoang dã, luôn xanh tốt. Từ xưa đến giờ, hàng ngàn loại cây ở trong rừng có ai đào hố để trồng đâu, nhưng chúng vẫn sống khỏe. Mọi thứ phải thuận theo tự nhiên chú à...” - ông Hoa nói.
Để đánh giá chính xác ý tưởng của mình, ông Hoa đã phải đốn bỏ những cây bưởi da xanh trong vườn nhà không phát triển, rồi đắp mô cao, trồng cây bưởi mới. Khi cây 5 năm tuổi, gốc bưởi nổi trên mặt đất, rễ sát gốc cũng nổi lên... khắc phục được tình trạng cây hư, chậm phát triển, năng suất ổn định, trái đẹp. Đặc biệt, theo tính toán của ông, nếu áp dụng cách trồng mới này, nông dân giảm được nhiều công sức và khoảng 50% chi phí. Từ kết quả thực tiễn, ông Hoa viết hẳn một bài hướng dẫn cách trồng bưởi kiểu mới. Trong đó, ông nêu rất chi tiết từ kỹ thuật đắp mô, đến trồng cây con, bao lâu phải bón phân một lần, bón như thế nào? Bón phân gì?...
Sau những thành công liên tiếp, nhiều người đã gợi ý với ông Hoa việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhưng ông lắc đầu. Ngược lại, ông phổ biến rộng rãi khắp nơi về những gì mình biết được. Ông bảo, nếu giữ lấy sự sáng tạo làm của riêng, thì chỉ có bản thân ông được vinh danh, điều này ông chưa từng mong muốn.
Từ khi tìm ra cách giữ cho trái bưởi da xanh không hạt, ông không còn tham dự các hội thi trái cây tổ chức hằng năm. Ông không muốn dùng sự sáng tạo của mình để tìm cái danh, cái lợi qua các giải thưởng. “Sự sáng tạo đôi khi do một cá nhân làm ra, nhưng đó là tài sản chung của tất cả. Sáng tạo là phải cống hiến cho đời, hy vọng những gì tui làm được sẽ góp phần giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển bền vững” - ông Hoa bộc bạch.
Lời bình: Phóng sự viết giản dị đến mức người đọc không thấy bóng dáng tác giả đâu, nhưng hình như đó cũng là điều hay, vì nhờ thế nổi bật nhân vật Hai Hoà, người nông dân Bến Tre ngoài 60 tuổi, trình độ văn hoá lớp 6, người trồng bưởi nổi tiếng với giống bưởi da xanh không hạt và cách trồng bưởi trên mô đất chứ không đào hố sâu, vừa giảm được chi phí, vừa giảm được công chăm sóc. Bí quyết của ông hai lúa mang tên Hai Hoà này nghe bất ngờ nhưng không kém phần thuyết phục: "Mọi thứ đều phải để nó như tự nhiên". Thành công của ông đã đưa ông đến chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời sang Indonesia để thuyết trình và phổ biến kinh nghiệm trồng bưởi trước những giáo sư, tiến sĩ rất yêu nghề nông như ông. Và điều đáng quý nhất là nếp nghĩ cũng rất hai lúa của ông khi ông từ chối đăng ký bảo hộ bản quyền những nghiên cứu sáng tạo của ông, vì ông cho rằng mình chỉ trả lại những gì vốn là của nó... Huỳnh Dũng Nhân |