Trong những năm qua, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đăk Nông phát triển nhanh. Từ 1.151 ha năm 2000 đến năm 2013 đã tăng lên gần 4.000ha, chiếm khoảng 20% diện tích cây trồng lâu năm của tỉnh Đăk Nông.
Cây ăn quả đã dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Đăk Nông. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, tình trạng phát triển tự phát, manh mún thiếu quy hoạch còn diễn ra, dẫn đến người trồng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, công nghiệp chế biến chưa phát triển, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu tính bền vững. Nhiều loại cây cho năng suất không ổn định, chất lượng chưa cao, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp.

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/5/2011 của Tỉnh ủy Đăk Nông và chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 27/7/2011 của tỉnh ủy Đăk Nông thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XI đã xác định “Tiến hành quy hoạch, xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp để xác định những vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất trọng điểm theo đặc thù điều kiện tự nhiên của từng vùng, nhằm tạo ra những vùng sản phẩm có chất lượng, những vùng sản xuất có quy mô lớn, từng bước xây dựng những thương hiệu sản phẩm mang tính đặc trưng. Phát huy lợi thế của một số loại cây trồng đã được khẳng định ở các địa phương: cà phê, hồ tiêu, đậu đỗ, khoai lang Nhật, các loại cây ăn quả, các loại rau,…”. Do vậy, tỉnh Đăk Nông đã tiến hành “Xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm (cây ăn quả) tập trung đến năm 2015 và định hướng đến 2020”.
Theo đó, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả của tỉnh là 5.935ha, sản lượng đạt 175.077 tấn. Dựa trên yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và đặc tính phát triển của các loại cây ăn trái, tỉnh Đăk Nông đã hình thành 04 tiểu vùng cây ăn trái. Cụ thể:
Vùng I: Gồm huyện Cư Jút và một số xã phía Bắc huyện Krông Nô, một phần phía Bắc xã Đăk Gằn huyện Đăk Mil. Khu vực này có các loại đất: Đất phù sa, đất đen, đất xám, đất nâu đỏ,... phù hợp cho phát triển các loại cây ăn quả như: xoài, sầu riêng, mít, nhãn… Vùng II: Gồm phía Nam huyện Krông Nô huyện Đăk Mil và các xã giáp Đăk Mil của huyện Đăk Song. Đây là khu vực có đất nâu đỏ phân bố tập trung, khí hậu mát phù hợp với một số loại cây trồng như: Sầu riêng, bơ, mít,... Vùng III: Gồm Thị xã Gia Nghĩa và Đăk Glong. Đây là khu vực có đất nâu đỏ phân bố tập trung, khí hậu mát, lượng mưa trung bình 2503 mm, phù hợp với một số loại cây trồng như: bơ, sầu riêng, cam quýt, chanh dây, măng cụt,... Vùng IV: Gồm huyện Đăk R’lấp và huyện Tuy Đức, là vùng có lượng mưa cao nhất tỉnh với 2.700 mm. Đây là khu vực có đất nâu đỏ phân bố tập trung, khí hậu mát phù hợp với một số loại cây trồng như: bơ, mít, chanh dây, sầu riêng...
Một số cây ăn trái được quy hoạch trồng tại các vùng như sau:
Cây bơ: Được bố trí phát triển trên cả 04 vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh. Diện tích đến năm 2015 là 800 ha. Trong đó, vùng I: 330 ha, vùng II: 150 ha, vùng III: 120 ha và vùng IV: 150 ha và đến năm 2020 là 1145 ha 1250 ha, vùng I: 400 ha, vùng II: 370 ha, vùng III: 150 ha và vùng IV: 330 ha.
Cây mít: Diện tích chủ yếu là trồng xen với diện tích trồng cà phê trên cả 04 vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh. Diện tích đến năm 2015 là 750 ha (Vùng I: 230 ha, vùng II: 250 ha, vùng III: 120 ha và vùng IV: 200 ha) và đến năm 2020 là 1145 ha (Vùng I: 468 ha, vùng II: 282 ha, vùng III: 165 ha và vùng IV: 230 ha).
Cây sầu riêng: Cũng như cây mít, dện tích sầu riêng được bố trí chủ yếu là trồng xen với diện tích trồng cà phê trên cả 04 vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh. Diện tích đến năm 2015 là 1100 ha (Vùng I: 120 ha, vùng II: 450 ha, vùng III: 200 ha và vùng IV: 330 ha) và đến năm 2020 là 1625 ha (Vùng I: 134 ha, vùng II: 661 ha, vùng III: 310 ha và vùng IV: 520 ha).
Nhóm cam, quýt, bưởi: Được quy hoạch phát triển chủ yếu tại 02 vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh là với tổng diện tích đến năm 2015 là 150 ha, tại Vùng II: 26 ha, vùng III: 124 ha) và đến năm 2020 là 209 ha (Vùng II: 30 ha, vùng III: 180 ha).
Cây xoài: Phát triển chủ yếu tại vùng 01 cây ăn quả tập trung của tỉnh. Diện tích đến năm 2015 là 280 ha tại vùng I và đến năm 2020 là 350 ha tại vùng I.
Cây chanh dây: Trong giai đoạn tới, ổn định diện tích chanh dây từ khoảng 450 – 500ha, tập trung tại vùng III: 330 ha và vùng IV: 170 ha.
Cây măng cụt: Đây là cây trồng mới trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, qua thực tế phát triển và nhu cầu thị trường, khả năng trồng xen trong cà phê thì đây là một cây trồng thế mạnh của tỉnh. Giai đoạn 2012 - 2015 với diện tích khoảng 300 ha, tập trung ở 3 vùng phía Nam (Vùng II: 70 ha, vùng III: 220 ha, vùng IV: 10 ha) và đến năm 2020 là 526 ha (Vùng II: 136 ha, vùng III: 370 ha, vùng IV: 20 ha).
Một số cây ăn quả khác: Dứa, chôm chôm, chuối và chanh không hạt, diện tích khoảng 250 - 350 ha. Trong đó chuối, chôm chôm phát triển tại vùng I (60 ha); dứa, chôm chôm và chanh không hạt phát triển tại vùng IV. Đối với chuối chủ yếu tập trung phát triển tại huyện Đăk Glong và phía Nam huyện Krông Nô.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả theo quy hoạch, tỉnh Đăk Nông khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết, mở rộng quy mô sản xuất như liên kết giữa các hộ, nhóm hộ có diện tích cây ăn quả liền kề, thành lập các Tổ hợp tác, HTX sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển trang trại quy mô sản xuất hàng hóa. Thực hiện liên kết “4 nhà”, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò chủ động liên kết với các hộ, nhóm hộ nông dân, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, thực hiện phân phối lợi ích hợp lý để phát triển vùng trái cây nguyên liệu theo quy hoạch, ổn định sản lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương, đưa trái cây của tỉnh Đắk Nông ra thị trường tiêu thụ lớn trong nước và phục vụ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
H.B-Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông