Khởi sắc nhờ liên kết
Nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai vào giữa năm 2013, có 13 dự án với tổng vốn đầu tư 16.000 tỉ đồng và 11,5 triệu USD đã được các tỉnh Tây Nguyên trao giấy chứng nhận đầu tư cho 11 doanh nghiệp. Cuối năm rà lại, hầu hết các chủ đầu tư đều đang tích cực giải phóng mặt bằng, triển khai kế hoạch sử dụng đất, xây dựng đúng tiến độ.
Đồng hành với các dự án trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN đang giải ngân 2.050 tỉ đồng/7.535 tỉ vốn cam kết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương đã triển khai gói tài trợ 1.601 tỉ đồng, các ngân hàng thương mại khác như NNPTNT, Sài Gòn - Hà Nội, SHB cũng đang tích cực giải ngân... Đây là các ngân hàng đã cam kết tài trợ hơn 23.000 tỉ đồng cho các dự án đầu tư vào Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Riêng đầu tư nước ngoài, đến tháng 10.2013, Tây Nguyên có 139 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD - Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT cho hay. Nhìn từ con số khác, tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn vùng đạt 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 15,5 triệu đồng năm 2010 lên 26,9 triệu đồng năm 2012 cũng là những kết quả đáng khích lệ.
Tây Nguyên đã đạt được những kết quả trên trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều nhìn nhận, đó là kết quả của việc liên kết xúc tiến đầu tư (XTĐT) giữa các địa phương. Đây là yêu cầu không mới, song trước đây các địa phương chỉ "nhất trí "... trên bàn họp. Ngoài kêu gọi đầu tư tại tỉnh, nhiều địa phương như Gia Lai, Đắc Nông còn tổ chức "tiếp thị" ở TPHCM... song hiệu quả không cao.
Ông Đặng Xuân Quang - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT - gọi đó là XTĐT dựa vào lợi thế tĩnh. Lợi thế động chỉ được tạo ra khi các địa phương thực sự hợp tác, liên kết chặt chẽ trong XTĐT, gắn hoạt động XTĐT của vùng với các chương trình XTĐT cấp quốc gia. Đây là bất cập cần khắc phục không chỉ của Tây Nguyên.
Phát huy vai trò "nhạc trưởng"
Từ lâu các địa phương đều biết cần phải liên kết trong kêu gọi đầu tư để tạo sức mạnh tổng hợp, tránh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực, song do thiếu vai trò "nhạc trưởng" nên vẫn mạnh ai nấy làm. Trong những năm gần đây, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nguyên đã tích cực vào cuộc, đặt nhiệm vụ chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như đảm bảo an ninh - quốc phòng. Năm 2009, lần đầu tiên BCĐ Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức hội nghị XTĐT cho khu vực tại Đắc Lắc.
Ông Lữ Ngọc Cư - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, Ủy viên chuyên trách BCĐ Tây Nguyên - cho biết: "Tính từ sau hội nghị XTĐT lần thứ nhất đến hết năm 2012, tổng vốn đăng ký đầu tư vào toàn vùng đã đạt trên 90.000 tỉ đồng, gấp đôi so với giai đoạn trước. Đó là kết quả phát huy tiềm năng, lợi thế và chủ động liên kết kêu gọi đầu tư của các tỉnh trong vùng".
Năm 2013, thêm một hội nghị XTĐT cấp vùng được tổ chức tại Gia Lai, kết quả mang lại không chỉ là 16.000 tỉ đồng và 11,5 triệu USD đăng ký đầu tư, mà còn được đảm bảo bởi cam kết của các ngân hàng. Sau mỗi kỳ XTĐT, các dự án, chương trình đã cam kết đều được BCĐ Tây Nguyên và các tỉnh kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Để thu hút đầu tư có hiệu quả, lãnh đạo ban còn kiên trì với các chương trình công tác lớn. Đó là phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2020 trình Thủ tướng, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phát hành trái phiếu đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh. Qua đó Bộ GTVT cũng tích cực huy động mọi nguồn lực nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 - trong đó có 5 dự án BOT giai đoạn 2 với chiều dài 207km, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng đã triển khai.
Ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng ban thường trực BCĐ Tây Nguyên - nhận xét: "Kêu gọi đầu tư không chỉ là mời doanh nghiệp vào, mà phải đồng bộ với việc xây dựng chính sách, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là phải mời cả ngân hàng vào cuộc. Cam kết của tất cả các bên đều phải được thường xuyên đôn đốc, được tháo gỡ vướng mắc kịp thời thì mới có hiệu quả. Đó là kinh nghiệm từ thực tiễn XTĐT ở Tây Nguyên".
Tại Hội nghị liên kết XTĐT và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Nguyên được BCĐ Tây Nguyên và Bộ KHĐT tổ chức cuối tháng 12.2013 tại Đà Lạt, liên kết nội vùng đã được cụ thể hóa trong một thỏa thuận có tính bắt buộc. Theo đó các tỉnh sẽ phối hợp tiếp đón, hỗ trợ nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, có sự điều phối chung trong hoạt động XTĐT ở nước ngoài, cùng liên kết XTĐT ở nước ngoài mỗi năm một lần... Thỏa thuận này tiếp tục được cập nhật, hoàn chỉnh, thực hiện từ năm 2014.