Anh Nguyễn Văn Chu ở bon Srê Ú, xã Ðắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Thời gian đầu, khi gia đình tôi mới bắt đầu phát triển vườn cam, quýt đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ khâu chọn giống cho đến việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh... Sau này, khi gia đình lắp đặt máy tính và kết nối mạng Internet thì việc tìm kiếm thông tin, học tập các kỹ thuật chăm sóc vườn cam, quýt là rất dễ dàng. Vì vậy, trong những năm qua, vườn cây trái luôn đạt năng suất cao, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Mặt khác, cũng nhờ internet mà gia đình tôi còn tìm hiểu về thị trường, giá cả, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”.
Hiện nay nhiều nông dân đã biết lên mạng Internet để nắm bắt thông tin, tìm kiếm thị trường
Cũng theo anh Chu thì trong bối cảnh các mặt hàng nông nghiệp trên thị trường luôn bấp bênh, điệp khúc “được mùa, mất giá” thường hay xảy ra đã làm cho nhiều nông dân lao đao trong việc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đó phần nào được giải tỏa, khi nông dân tìm đến Internet như một phương tiện hữu hiệu nhất để tra cứu giá cả, tự tìm cho mình thị trường đầu ra, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái như trước đây.
Bây giờ, bà con có thể cập nhật thông tin liên tục về tình hình giá cả của sản phẩm cũng như các vấn đề khác liên quan để chủ động trong sản xuất.
Còn anh Hoàng Văn Vũ, chủ trang trại Hoàng Anh ở tổ dân phố 9, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) thì cách đây 3 năm đã được Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư) giúp đỡ, tạo điều kiện lập một trang web để thông tin, quảng bá các loại giống vật nuôi như: nhím, chim trĩ, gà rừng…
Chắc chắn nhiều người sẽ rất ấn tượng khi mở trang thông tin trang trại nhím Hoàng Anh được thiết kế đẹp mắt, quảng bá, giới thiệu một cách kỹ càng việc mua bán sản phẩm như giao hàng tận nơi, chất lượng đảm bảo, giá cả lại phải chăng.
Anh Vũ chia sẻ: “Nhờ có trang web mà việc giao thương, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều. Sản phẩm của trang trại đã phân phối khắp mọi miền đất nước, chỉ cần đặt hàng qua email, điện thoại là khách hàng nhận được hàng ngay. Cũng nhờ quảng bá được thương hiệu, thị trường ngày càng rộng mở, nên việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ngày càng phát đạt. Điều đáng nói là chi phí xây dựng ban đầu của 1 website chỉ khoảng 4 triệu đồng và thêm 200.000 đồng để duy trì hoạt động hàng tháng”.
Theo những người có kinh nghiệm trong hoạt động công nghệ thông tin thì việc xây dựng một website riêng không khó, nông dân chỉ cần nắm bắt một số kỹ năng về tin học là đã có thể sử dụng một cách dễ dàng.
Ngoài ra, với sự thông dụng của mạng xã hội Facebook, nông dân cũng có thể sử dụng để giao thương và quảng bá sản phẩm. Thông qua các tài khoản Facebook cá nhân, nông dân có thể rao bán các sản phẩm do mình làm ra một cách dễ dàng. Với sự năng động, nhạy bén, bắt kịp với xu thế cuộc sống, nhiều nông dân đã biết tiếp cận với công nghệ thông tin để phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.
Bài, ảnh: Phan Tuấn