Các đại biểu dự Hội thảo “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên”.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2013.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, đồng thời đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá, giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học của vùng, phù hợp với vùng cũng như thực trạng ứng dụng KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng thời gian qua. Qua đó, tìm giải pháp đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển của vùng.
Gần 15 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo đều khẳng định: trong những năm qua việc nghiên cứu KH&CN trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn cả trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Những thành tựu của việc nghiên cứu KH&CN cũng được các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học nhanh chóng chuyển giao cho ngành chức năng các tỉnh, các doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng vào khai thác các tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh nói riêng, toàn vùng nói chung, đồng thời ngành KH&CN các tỉnh trong vùng liên kết ngày càng chặt chẽ trong công tác nghiên cứu cũng như ứng dụng thành tựu KH&CN vào thực tiễn, góp phần quan trọng nâng cao hiểu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới… Đặc biệt, kết quả ứng dụng thành tựu KH&CN đã từng bước khắc phục được những thiệt hại nặng nề do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, bão lũ và tình trạng ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, sa mạc hóa…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao, ứng dụng thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong vùng. Đó là việc liên kết giữa các tỉnh, các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học trong vùng trong công tác nghiên cứu khoa học chưa chặt chẽ và thường xuyên. Hằng năm, nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu KH&CN còn hạn chế. Việc giới thiệu cũng như chuyển giao thành tựu của các đề tài, công trình nghiên cứu KH&CN cho các tỉnh, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng vào thực tiễn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận nhân dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên chưa tiếp cận được cũng như chưa ứng dụng những tiến bộ của KH&CN vào sản xuất…
Vì vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong vùng vẫn đạt thấp; kinh tế, xã hội chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đến nay ngành KH&CN vẫn chưa có nhiều giải pháp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai một cách hiệu quả… Trong khi đó, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là vùng có nhiều tài nguyên và tiềm năng cho phát triển kinh tế, xã hội.
Từ thực trạng đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung giới thiệu các kết quả nghiên cứu về điều tra cơ bản cũng như đề xuất các giải pháp KH&CN sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; công nghệ phát triển nông nghiệp, nông thôn và miền núi, tập trung là các công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến cà-phê, hồ tiêu, chè, cao su ở Tây Nguyên bền vững; công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch; công nghệ và quy trình sản xuất tiết kiệm nước; đề xuất cơ cấu và giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, các mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch; các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường để giữ nước, chống xói mòn, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng; giải pháp phát triển lĩnh vực thủy sản; vai trò của nguồn nhân lực và một số nội dung khác liên quan phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…
NGUYỄN CÔNG LÝ