Ngày 29/11/2013, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thành công buổi hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “ Khuyến khích đầu tư doanh nghiệp vào khu vực nông thôn ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông” do DANIDA tài trợ năm 2012 – 2013. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và khu vực nông thôn, phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, những hạn chế trong các giải pháp/chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông. Qua đó, nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị chính sách cải thiện môi trường đầu tư trong khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh trên.
Đ/c Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN và PTNT khai mạc Hội thảo
Doanh nghiệp khu vực nông thôn được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy nông thôn phát triển, là cơ hội cho lao động nông thôn tiếp cận việc làm, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh nghiệp khu vực này trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phát triển tương xứng với yêu cầu của phát triển. Năng lực hoạt động còn hạn chế của doanh nghiệp là nguyên nhân chủ yếu, bên cạnh đó những tác động của yếu tố môi trường kinh doanh bên ngoài cũng góp phần ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bà Vũ Thị Kim Mão, đại diện Viện Chính sách và chiến lược PTNT trình bày báo cáo
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2006 – 2011, mặc dù số lượng doanh nghiệp quy mô vừa tăng lên, nhưng vẫn ở mức rất thấp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Cũng trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tăng bình quân 19,6%/năm, tăng chậm hơn giai đoạn 2000 – 2005; chỉ có 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tính đến hết năm 2011. Thêm vào đó, năng lực tài chính, khả năng mở rộng và phát triển sản xuất kém hơn so với các tỉnh còn lại. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào ngành nông lâm thủy sản giảm thay vào đó số doanh nghiệp khối dịch vụ tăng lên.
Về mô hình hợp tác xã, tỉnh Đắk Lắk có năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã cao hơn các tỉnh phía Bắc tuy nhiên lại có khả năng sinh lời rất thấp. Điều này dễ hiểu khi số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động và chờ giải thể của tỉnh thuộc hàng cao nhất.
Quang cảnh Hội thảo
Thực trạng này phần nào phản ánh việc thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu vực nông thôn chưa được hiệu quả dù cho tỉnh đã cải thiện môi trường kinh doanh tương đối tốt và ổn định (PCI năm 2009 xếp hạng 38, năm 2012 xếp hạng 36); có những chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ tín dụng, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra vấn đề Đắk Lăk còn yếu và cần khắc phục là tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong các hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong quá trình quản lý và điều hành kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó nghiên cứu đưa ra khuyến nghị chung cho 5 tỉnh thành nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nông thôn, gồm:
(i) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, giảm tiền thuê đất;
(ii) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng dễ dành hơn với mức lãi suất thấp;
(iii) Hỗ trợ phát triển giao thông, điện phục vụ sản xuất khu vực nông thôn;
(iv) Phát triển hệ thống đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn;
(v) Loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, cửa quyền của một số công chức trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất hay thực hiện các hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp.
(Bài và ảnh: Phúc Bình NiêKDăm, CV Phòng KH-ĐT, Sở NN và PTNT)