Có thể nói, những người nông dân trồng cà phê ở vùng cao nguyên Việt Nam đã tiến một bước rất dài so với thời điểm người Pháp lần đầu tiên giới thiệu giống cà phê tới Việt Nam từ hơn một thế kỷ trước. Ngày nay họ biết áp dụng hệ thống thủy lợi công nghệ cao của Israel và sử dụng điện thoại để cập nhật giá cả hàng hóa trên thế giới.
Ông Điềm, 44 tuổi, một người nông dân trồng cà phê cho biết: “Tôi thường chở cà phê ra chợ bằng xe đạp. Nhưng giờ đây tôi biết kiểm tra giá cà phê bằng điện thoại di động”.
Chỉ cần một cú pháp nhắn tin đơn giản là bất kỳ người nông dân nào cũng có thể cập nhật ngay giá cà phê Robusta ở London (Anh) và giá Arabica ở New York (Mỹ) từ công ty cung cấp dữ liệu. Những người nông dân Việt Nam biết rất rõ rằng giá cà phê có thể thay đổi nhanh chóng, cà phê là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau khi dầu mỏ.
Người nông dân trồng cà phê ở Việt Nam đã làm thay đổi thị trường toàn cầu. Nếu tình cờ một buổi sáng bạn nhâm nhi cốc cà phê, rất có thể bạn thưởng thức cà phê Việt Nam qua sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng như Nestle và Britain's Costa Coffee.
Năm 1980, Việt Nam chỉ chiếm ít hơn 0,1% sản lượng cà phê trên thế giới. Đến năm 2000, con số này tăng đạt mức 13% - đây là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, mặc dù có vài ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân là do giá cà phê thế giới trong những năm 1990 bị rớt thảm hại.
Việt Nam giờ đã trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu được đánh giá cao ở số lượng hơn là chất lượng - vị đắng của hạt cà phê Robusta Việt Nam từng dành chiến thắng tại vài giải thưởng quốc tế. Các nhà nhập khẩu trên thế giới chủ yếu thu mua hạt cà phê thô.
“Việt Nam là một hiện tượng đáng kinh ngạc”, ông Jonathan Clark - Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu cà phê Dakman nói. Số lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu tăng vọt trong năm ngoái và tiến gần hơn đến đối thủ Brazil, nước xuất khẩu và sản xuất cà phê hàng đầu trên thế giới.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 1,73 triệu tấn cà phê, trị giá khoảng 3,67 tỉ USD và chiếm hơn 50% lượng cà phê Robusta trên thế giới. Loại cà phê này được sử dụng để chế biến cà phê hòa tan hoặc các loại đồ uống pha trộn khác.
Lượng tiêu thụ cà phê ở thị trường Châu Á đang gia tăng. Các nhà chế biến cà phê đang chú ý đến các nước chi phí sản xuất thấp, không đánh thuế xuất khẩu cà phê để phát triển kinh doanh và tăng sự hiện diện của công ty trong khu vực, ông Jonathan Clark chia sẻ.
Ông Jinlong Wang, chủ tịch của công ty Starbucks tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Trong tình hình số lượng cà phê được tiêu thụ ở các nước phương Tây đang sụt giảm. Trong khi đó Việt Nam mở ra nhiều cơ hội to lớn. Việt Nam là đất nước với truyền thống yêu cà phê và số lượng người dân có thu nhập trung bình đang tăng lên”.
Công ty Starbucks (Mỹ) - mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 2.2013. Họ đánh giá Việt Nam là thị trường thú vị và năng động, trong tương lai gần, Starbucks sẽ mở hàng trăm cửa hàng ở Việt Nam.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người được mệnh danh là “vua cà phê Việt Nam” cho rằng vùng đất đỏ bazan, lớp đất được hình thành từ núi lửa cách đây hàng triệu năm là nơi lý tưởng để trồng cà phê. Khi những người yêu thích cà phê trên thế giới chủ yếu sử dụng cà phê Arabica có chứa 1,5% caffeine, họ nên thức dậy mỗi sáng và tận hưởng niềm vui khi thưởng thức cà phê Robusta với 2,5% sức mạnh.
Ông Vũ chính là người sáng lập công ty Cà phê Trung Nguyên. Hiện tại Trung Nguyên có 55 cửa hàng tại Việt Nam và 5 cửa hàng ở Singapore. Ông là người đam mê trong việc đưa cà phê Robusta của Việt Nam có tên trên bản đồ.
“Cà phê Robusta không phải là chất lượng thấp hơn. Lý do chính là do những người yêu thích cà phê trên thế giới được học cách uống cà phê Arabica. Một phần lớn công việc của công ty chúng tôi là nâng cao chất lượng hạt cà phê tại địa phương. Chúng tôi làm việc với nông dân để giới thiệu cho họ về hệ thống tưới công nghệ cao, giảm sử dụng thuốc trừ sâu và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Vũ chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại làng Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột.
Đến nay, Trung Nguyên cà phê đã xuất khẩu đến 60 quốc gia. Ông Vũ cho biết từ khi Starbucks thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ông càng tăng quyết tâm mở quán cà phê tại Hoa Kỳ để giới thiệu về cách uống cà phê phin truyền thống của người Việt Nam.
“Chúng tôi phải có khả năng vượt qua Starbucks. Chúng ta phải cung cấp một cái gì đó hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng ở Mỹ. Tôi muốn thế giới hiểu rằng cà phê Việt Nam là tốt nhất, sạch nhất và đặc biệt nhất”, ông Vũ nói.
Lan Hương dịch (Theo abs-cbnnews ngày 17.4.2013)