Theo ngành nông nghiệp, hiện nay, diện tích lúa liên kết theo cánh đồng lớn phát triển mạnh, trong đó đồng bằng sông Cửu Long khoảng 450.000 ha, chiếm hơn 90% diện tích lúa cả nước. Mỗi ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm chi phí 10-15%, giá trị sản lượng tăng 20%-25%, có lợi nhuận tăng thêm 2,2 –7,5 triệu đồng. Một số địa phương đang mở rộng cánh đồng lớn cho bắp, đậu phộng, ớt, khoai mì, chè, cà phê...
Các đại biểu đóng góp ý kiến về hợp tác, tổ chức hợp tác xã, liên kết còn khó khăn; liên kết tiêu thụ nông sản còn thấp, thiếu nguồn lực, thiếu vốn, thiếu hệ thống thu mua... Về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, Vinafood 2 đề nghị, chính sách sẽ đi đôi với các mô hình liên kết cánh đồng lớn nhưng không thể dàn trải. Chính sách đến mức hỗ trợ 30% giống lúa là không cần thiết. Đề nghị tập trung một số chính sách.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và tổ chức đại diện nông dân trở thành vấn đề tất yếu cho sản xuất nông nghiệp hiện tại và tương lai. Tuy mới tập trung vào trồng trọt nhưng Quyết định 62 thể hiện tính liên kết đa dạng trên các lĩnh vực. Nhiều tỉnh chưa có chính sách nhưng doanh nghiệp vẫn liên kết với nông dân và tổ chức đại diện nông dân.
Sau hội nghị, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đánh giá cách tiếp cận và tính khả thi của Quyết định 62 để đề nghị bổ sung, sửa đổi. Theo đó, không đặt nặng chế tài xử lý mà cần xây dựng nhận thức, mối gắn bó giữa doanh nghiệp và nông dân, có giải pháp ứng dụng khung hỗ trợ các địa phương áp dụng, có hỗ trợ pháp lý cho các hợp tác xã.
Nguyễn Thắng