1/ Thôn 13, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông (Cây xăng 34 vô 700m) Sơ đồ đường đi 2/ Km 15, QL 14, xã Thuận An, Đắk Mil, Đắk Nông (Giữa Đắk Mil & Đắk Song) Sơ đồ đường đi 3/ Km 17, QL 14, Từ Buôn Ma Thuột → Gia Lai (Lô sau UBND xã Cuôr Đăng) Sơ đồ đường đi Điện thoại: 0902. 497.137 - 0988.282.235 - 0945.239.747
Xu hướng doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp sạch
Thứ hai - 23/01/2017 02:29
QĐND - Lĩnh vực nông nghiệp lâu nay vốn ít bình lặng, ấy thế mà thời gian qua lại ồn ào, thu hút nhiều sự quan tâm bởi một số tập đoàn lớn-những "đại gia" bất động sản, tài chính-ngân hàng cũng chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là một tín hiệu vui, bởi có sự tham gia của những doanh nghiệp lớn là có vốn, có công nghệ, có nhân lực để đầu tư, sản xuất, kinh doanh bài bản, góp phần nâng cao chất lượng, tìm đầu ra bền vững cho nông sản. Vấn đề đặt ra là cần những cơ chế chính sách thế nào để ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư một cách bền vững vào nông nghiệp.
"Đại gia" đổ tiền, đổ của để làm nông
Thời gian qua, một số "đại gia" đình đám đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Ông Đoàn Nguyên Đức (Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai); bà Thái Hương, Ngân hàng Bắc Á-Tập đoàn TH với sản phẩm sữa tươi, rồi đến rau sạch, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu; bà Phạm Thị Huân (Công ty Ba Huân) với sản phẩm trứng gia cầm sạch; đại gia bất động sản Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingoup) với Công ty VinEco chuyên trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao. Thậm chí, các đại gia ngành công nghệ thông tin, điện máy như ông Nguyễn Đức Tài-chủ của thương hiệu Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh hay ông Trương Gia Bình-Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng đã đầu tư vào nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Tập đoàn Hòa Phát-đại gia về thép cũng đầu tư vào nông nghiệp với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi...
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau sạch của VinEco (Tập đoàn Vingoup).
Số tiền các đại gia đầu tư để làm nông không chỉ là vài chục tỷ đồng, vài trăm tỷ đồng mà còn có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể như, số vốn điều lệ của Công ty VinEco (Tập đoàn Vingoup) công bố là 4.000 tỷ đồng. Hay mỗi nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch của bà Phạm Thị Huân nhập từ Hà Lan cũng trị giá hơn trăm tỷ đồng, mỗi dây chuyền xử lý trứng gia cầm có công suất 185.000 trứng/giờ. Đúng "đại gia" có khác, đã làm thì phải làm khác người, đặc biệt phải làm lớn. Họ làm nhanh và rất bài bản. VinEco được thành lập tháng 4-2015, đến tháng 5-2016 khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất rau mầm và rau thủy canh công nghệ màng mỏng dinh dưỡng (NFT) tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tháng 10-2016, khánh thành và đưa vào vận hành nhà màng sản xuất sản phẩm dưa lưới theo công nghệ I-xra-en tại Long Thành (Đồng Nai). Hiện VinEco đã sản xuất và cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống siêu thị (Vinmart), cửa hàng tiện ích (Vinmart+) rau, củ sạch và trái cây sạch. Vừa qua, VinEco đã ký kết đầu tư công nghệ và cam kết thu mua sản phẩm của 250 hợp tác xã và hộ sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ cung ứng nhiều nông sản sạch hơn nữa cho thị trường.
Các doanh nghiệp lớn khi làm nông đều ứng dụng công nghệ cao, ví dụ như sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của I-xra-en (trồng trọt), công nghệ chăn nuôi bò sữa, bò thịt, xử lý trứng gia cầm của Đức, Hà Lan, Nhật Bản…
Cần những ưu đãi tốt nhất cho nông nghiệp công nghệ cao
Tuy đã có sự tham gia của các "đại gia", nhưng nhìn tổng thể, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, hiện tỷ lệ vốn đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm hơn 5%, tổng số vốn đầu tư của cả nước. Cả nước đang có khoảng 8.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm chưa đến 2% trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động.
Chuyện "đại gia" làm nông mặc dù đã cho ra các sản phẩm nông sản sạch trên thị trường vẫn khiến nhiều người hồ nghi, cho rằng các "đại gia" nói trên chỉ làm chơi, rằng lợi nhuận từ làm nông chẳng đáng là bao chỉ là nguồn thu phụ so với những ngành nghề chính của họ. Thậm chí không ít người còn đặt câu hỏi về “động cơ chính", “động cơ phụ” khi đại gia làm nông. Bà Phạm Thị Huân-chủ doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm sạch Ba Huân đã không ít lần bộc bạch rằng: Chúng tôi mong muốn có sản phẩm trứng sạch cho người Việt Nam, đồng thời giúp đỡ nông dân tiêu thụ được trứng gia cầm. Sau thành công ở quê nhà Nam Bộ, bà Phạm Thị Huân quyết định “Bắc tiến” đầu tư nhà máy xử lý trứng gia cầm ở huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội). Còn bà Thái Hương-Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, ước muốn của bà là người Việt Nam có sữa sạch để uống, từ đó góp phần cải thiện tầm vóc giống nòi. Bà Thái Hương đã thành công bước đầu khi thương hiệu sữa TH vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường Việt Nam. Không dừng lại ở việc sản xuất sữa phục vụ người Việt, TH true milk còn tiếp tục đầu tư sang tận CHLB Nga để sản xuất sữa.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã là một quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đi khắp thế giới. Nhưng nghịch lý là nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nông sản sạch của chính người dân trong nước. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam còn chưa có thương hiệu riêng, chưa được nhận diện là nông sản cao cấp trên thị trường thế giới. Điều này được hy vọng có thể sẽ được cải thiện nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và trong tương lai gần, Việt Nam sẽ sản xuất, xuất khẩu được nông sản chất lượng cao.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Nói về vai trò của doanh nghiệp đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp sẽ là hạt nhân để cho ngành nông nghiệp phát triển, là con tàu để đưa nông sản Việt Nam ra với thế giới.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hơn nữa tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, tổ chức liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Muốn thu hút doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực nông nghiệp thì cần phải có cơ chế tạo ra quỹ đất đủ rộng, thời gian sử dụng đất đủ dài, từ đó doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư. Cần phải tạo ra những cơ chế ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Việc các “đại gia” làm nông là một tín hiệu vui, đã “thổi một luồng gió” mới vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Luồng gió” này đã tác động đến nông dân, nhà quản lý và cả xã hội, đem đến cái nhìn mới về nghề nông, đặc biệt trong bối cảnh nông sản Việt đòi hỏi cần “tiếp sức” để gia tăng khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay chính sân nhà, đẩy bạt "thực phẩm bẩn”, để người dân an tâm với bữa ăn hằng ngày. Đây cũng là một bước cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM